NHÂN – QUẢ TỪ NGƯỜI LỚN TRONG SỰ HUNG HĂNG CỦA GIỚI TRẺ
Xin gửi đến các bố mẹ tham khảo một bài viết hay của tập san Kiến Thức:
ĐIỀU GÌ KHIẾN GIỚI TRẺ TRỞ NÊN ÁC ĐỘC?
Khi đọc về một vụ án tàn ác mà thủ phạm là vị thành niên, người ta thường than thở về sự tha hoá của xã hội, nhưng có ai nghĩ rằng mình cũng là một nguyên nhân gây ra sự việc đau lòng đó.
Trên đường nhiều khi được chứng kiến những chuyện thật chướng tai gai mắt.
Một gã đi ô tô lùi xe từ trong nhà ra, chẳng may va phải một ông đang dắt xe đạp thồ. Va chạm cũng chả nặng lắm, hình như chỉ xước một vết ở đuôi xe. Vậy mà gã nhảy xổ vào vừa đánh vừa chửi ông xe thồ. Ông kia chỉ chống đỡ yếu ớt rồi vội vã đẩy xe đi.
Tôi chỉ đi qua, chỉ chứng kiến có từng đấy sự kiện, không biết rồi sau đấy thế nào. Gã kia có để ông xe thồ đi qua không, có bắt ông đền cho cái vết xước kia không? Nếu may ra ông xe thồ là người hiền lành thì mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó.
Còn nếu lại có máu anh chị, thì biết đâu ngày mai, ngày kia ông ta lại đưa người đến trả thù thì còn phức tạp nữa. Hoá ra cái vết xước trên xe kia quan trọng hơn quan hệ giữa người với người. Vì nó người ta sẵn sàng nhảy xổ vào đồng loại.
Lại một lần khác tôi thấy một gã đi xe máy trái đường va phải một cô bé đi xe đạp. Đã thế gã còn chửi cô bé kia thậm tệ vì tội không tránh đường. Cô bé thì sợ hãi xin lỗi rối rít dù mình chả sai gì. Rồi ai đi đường nấy.
Nhưng chắc rằng trong tâm hồn cô bé kia đã có một vết xước, đã bị tổn thương. Nó sẽ ấm ức vì sự vô lý của người lớn. Những sự bực mình tưởng nhỏ nhoi đó biết đâu sẽ tích tụ lại thành nỗi oán hận người lớn.
Con người ta thật lạ, lúc nào cũng nghĩ là mình đúng, để từ đó tự cho mình cái quyền quát mắng người khác. Dù có sai lè lè vẫn cố tình đổ cái lỗi đó cho người khác. Tưởng như trút cái lỗi lầm đó cho người khác thì mình được nhẹ gánh không bằng. Nhưng mọi cái đều theo luật nhân quả, chẳng có sự việc gì tồn tại độc lập cả.
Khi đọc về một vụ án tàn ác mà thủ phạm là vị thành niên, người ta thường than thở về sự tha hoá của xã hội, nhưng có ai nghĩ rằng mình cũng là một nguyên nhân gây ra sự việc đau lòng đó. Thật đấy, bạn có dám chắc rằng chưa lần nào bạn cũng giống như cái gã đi xe máy trái đường kia, chưa lần nào mắng oan một đứa trẻ? Chưa lần nào gieo những hạt giống của sự độc ác bằng những hành động vô ý thức của mình?
Theo “KIẾN THỨC”
Có phải chúng ta cũng đang gieo những “nhân” như vậy, mà “quả” chính là hành xử và thái độ của con cái chúng ta sau này?