Muốn con thiện lương, cha mẹ cần thực hiện 5 điều này
Thiện tâm được nuôi dưỡng từ bé không chỉ là bí quyết của đời sống hạnh phúc mà còn là chìa khóa dẫn đến thành công sau này. Hãy tặng đời những đóa hồng, trên tay bạn sẽ còn đọng hương thơm. Nhưng làm sao để gieo vào lòng con trẻ hạt giống của thiện lương và sự tử tế ngay từ nhỏ?
Lẽ thường tình, làm cha mẹ, ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con cái mình. Mong con đạt thành tích cao trong học tập, có được thành công trong tương lai và sống một đời hạnh phúc. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn kỳ vọng ở trẻ hơn thế nữa. Nhưng ít ai ngờ rằng, thật ra việc để chúng lớn lên, trở thành một người tốt bụng, chân thật và tử tế mới là quan trọng và có ý nghĩa hơn cả.
Người ta thường nói: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”. Sự thiện lương như một liều thuốc quý cho những cơn bệnh độc giữa người với người trong xã hội ngày nay. Một nghiên cứu vào năm 2007 của Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo (Center for Creative Leadership) tại Hoa Kỳ cho thấy, bên cạnh tài năng, sự tử tế và lòng cảm thông dành cho người khác chính là công thức quan trọng đối với thành công của các nhà lãnh đạo.
Thế nhưng từ bao giờ, chúng ta đã dần dần xem nhẹ và thậm chí quên mất việc nuôi dưỡng những đức tính nhân văn cơ bản này cho trẻ.
Richard Weissbourd – nhà tâm lý học thuộc Đại học Harvard, đã nỗ lực không ngừng để lan tỏa các giá trị của lòng tốt và sự tử tế giữa người với người thông qua dự án “Making Caring Common” (tạm dịch: Lan tỏa sự quan tâm). Dự án mong muốn giáo dục trẻ những giá trị nhân sinh phổ quát và dạy các em biết cách quan tâm đến những người xung quanh.
Theo khảo sát của nhà tâm lý học, 80% trẻ em cho biết bố mẹ chủ yếu coi trọng thành công và hạnh phúc của bản thân chúng hơn việc liệu chúng có biết suy nghĩ cho người khác hay không.
Thêm nữa, những đứa trẻ được phỏng vấn thường trả lời: “Bố mẹ con sẽ tự hào khi con được điểm cao hơn là khi con trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ cộng đồng trong lớp và trường học.”
Hiểu được những áp lực này nên bất cứ nơi đâu trẻ gặp khó khăn về tinh thần, sẽ luôn có một nhân viên của dự án “Making Caring Common” đến để giúp các em nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của những giá trị đạo đức tốt đẹp mà các em đã cho đi.
Kể từ khi được đưa tin lần đầu tiên trên tờ The Washington Post vào năm 2014, dự án “Making Caring Common” đã phát triển ngày càng mạnh. Tháng 3/2019, dự án đã công bố một nghiên cứu về khía cạnh đạo đức của các em học sinh và các bậc phụ huynh đối với khả năng gian lận trong quy trình tuyển sinh đại học (như một lời cảnh tỉnh cho vụ bê bối tuyển sinh vào các trường Đại học hàng đầu ở Mỹ thời gian gần đây*).
Vậy với cương vị là người dẫn đường cho con cái, các ông bố bà mẹ nên làm gì? Dưới đây là 5 điều cha mẹ cần thực hiện để khơi dậy lòng tốt trong con:
Hãy nhớ rằng sự tử tế không phải phép xã giao, mà là nhân cách con người.
Những giá trị tưởng chừng như nhỏ bé mà chúng ta tạo ra hằng ngày lại ghi dấu rất sâu trong lòng người khác và phản ánh chính con người chúng ta. Nếu được yêu cầu viết ra giấy những yếu tố cốt lõi định hình nhân cách của bản thân, bạn sẽ viết chứ? Trong lúc tiến hành nghiên cứu cho cuốn sách đầu tay “Make It Matter”, tác giả Scott Mautz đã khám phá ra rằng 75% người ta sẽ sẵn lòng viết ra, và thật ngạc nhiên, chỉ trong vòng 2 phút.
Câu hỏi lớn hơn là, sự tử tế có nằm trong những gì bạn viết ra không?
Và nếu có thì đối với bạn phải chăng đó là một giá trị không thể thiếu? Việc coi sự tử tế như một phần bắt buộc trong nhân cách con người khác hẳn việc chỉ xem đó như một phép ứng xử giao tiếp xã hội.
Khẳng định với con lòng tốt là phẩm chất số 1.
Nhà tâm lý Richard Weissbourd đã đưa ra lời khuyên, thay vì nói với lũ trẻ rằng: “điều quan trọng nhất miễn là con được vui vẻ”, hãy nói rằng: “điều quan trọng hơn cả là con hãy làm một người tốt.”. Việc này giúp trẻ biết cân nhắc và cân bằng nhu cầu lợi ích giữa chúng và người khác; và cũng đặt cho trẻ một tiêu chuẩn đạo đức rất cao.
Tôi và vợ đã dạy con gái chúng tôi rằng, trước khi quyết định từ bỏ cam kết đối với một môn thể thao hay hoạt động tập thể nào đó mà cháu đã đăng ký, hãy cân nhắc xem việc mình làm có ảnh hưởng đến người khác không. Ông Weissbourd cũng nhấn mạnh, nên dạy con giữ được thái độ tôn trọng người khác trong mọi hoàn cảnh; ngay cả khi chúng đang mệt mỏi, mất tập trung hay tức giận.
Mở rộng thế giới cho con.
Có thể nói tất cả những người thân thương, quen thuộc xung quanh chính là toàn bộ thế giới nhỏ của trẻ. Nhiệm vụ của chúng ta là giúp bé mở rộng thế giới này ra, cho người bạn ngoại quốc kia, cho bác hàng xóm lớn tuổi nhà bên hay cho những người kém may mắn hơn bé.
Weissbourd cho rằng trẻ em cần được giáo dục trên mọi khía cạnh. Không chỉ với người thân, cha mẹ cũng nên dạy trẻ biết cân nhắc đến lời nói và nhu cầu của người khác nữa, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và thậm chí những người không thích bé (vì lý do chủng tộc, nền tảng, văn hóa, v.v…). Các em cũng nên học cách suy xét đến hậu quả trước khi đưa ra các quyết định có khả năng ảnh hưởng đến người khác.
Giúp con tránh những cảm xúc tiêu cực và hành vi xấu
Nóng giận, ghen tị và những cảm xúc tiêu cực khác có thể làm cho bất kỳ ai hành động thiếu lý trí, đặc biệt là những đứa trẻ giàu cảm xúc.
Cũng theo ông Weissbourd, trẻ em cần được biết rằng tất cả những cảm xúc đều là tự nhiên, nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý các cảm xúc. Nhà tâm lý học đưa ra một lời khuyên đơn giản. Phương pháp cổ điển để làm nguôi một cơn giận là hãy dừng lại, hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng và đếm từ 1 đến 5. Mẹo nhỏ là hãy thực hành chúng trước khi cơn giận kịp bùng nổ. Những người thực hành cho biết cách này có thể giúp ngăn chặn một số hành vi không “đẹp” khác.
Thực hành sự tử tế là người thầy tốt nhất.
Thực hành mỗi ngày là bí quyết để hình thành bất kỳ thói quen nào. Điều này đặc biệt hữu dụng khi con bạn thực hành cách bày tỏ lòng biết ơn. Ông Weissbourd khẳng định, theo các nghiên cứu, trẻ em với thói quen bày tỏ lòng biết ơn có xu hướng trở nên nhiệt tình, rộng lượng, giàu lòng trắc ẩn và dễ tha thứ, cũng như hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn.
Theo Scott Mautz,
Đỗ Hoàng dịch