DÀNH THỜI GIAN CHO CON TRONG KỲ NGHỈ “BẤT ĐẮC DĨ”
Các con phân công nhau dọn việc nhà, một đứa cắm cơm, một đứa làm thức ăn… Kỳ nghỉ bất đắc dĩ này cũng dạy cho người mẹ như tôi một bài học về việc cân bằng giữa làm việc và thời gian dành cho con…
Hôm qua, một chị đồng nghiệp gọi điện than thở: “Chị bắt đầu thấy stress rồi em ạ. Hai đứa nhỏ nghỉ học ở nhà, quậy phá. Con đi học khi còn dịch thì âu lo mà nghỉ học cũng mệt mỏi”.
Tôi không quá ngạc nhiên bởi lẽ bài toán khi con nghỉ học vài tuần không phải ai cũng “giải” được. Đúng là kỳ nghỉ đột xuất kéo dài do dịch COVID-19 khiến nhiều phụ huynh đau đầu.
Nhưng tôi cho rằng đây là thời gian vàng để kết nối với con, là cơ hội để cha mẹ và con cái gần nhau hơn. Tôi hỏi hai con (một đứa đang học lớp 3, một đứa đang học lớp 8) cảm thấy thế nào với kỳ nghỉ dài này? Con có nhớ lớp nhớ trường, nhớ bạn bè không? Con tôi hồn nhiên trả lời rằng: “Con thích nghỉ thêm nữa”.
Bình thường, chồng tôi đi tối ngày, công việc của một kỹ sư điện chiếm hết thời gian. Vậy nên ít khi các con được chơi với bố. Tôi làm văn phòng nên lâu nay tôi đảm đương trách nhiệm đưa đón các con đi học là chính. Nhưng thú thật, các con học chính rồi học thêm khiến cả nhà chúng tôi lệch pha trầm trọng. Rất ít khi cả nhà đông đủ để ăn cơm cùng nhau bữa tôi. Và rất hiếm khi các con được bố mẹ đưa đi “giải ngố” vào cuối tuần vì lịch học dày đặc.
Vậy nên khi các con được nghỉ học, thay vì lo lắng, tôi tâm niệm, kỳ nghỉ này sẽ tranh thủ để kết nối với các con. Vợ chồng tôi thay nhau ở nhà cùng các con. Rất ít khi được chơi cùng bố mẹ nên các con vui lắm. Có hôm chồng tôi bảo: “Lâu nay vì công việc bận rộn khiến anh đánh mất nhiều giây phút quý giá bên các con. Anh không nghĩ là các con vui đến vậy…”.
Cô giáo vẫn gửi bài tập đều đặn và vợ chồng tôi quy định mỗi buổi các con chỉ học 1 đến 2 tiếng, còn đâu các con được chơi. Có lúc, con nhỏ nhõng nhẹo muốn được bố hoặc mẹ đọc truyện cho nghe. Có lúc con trai lớn muốn được cùng mẹ vào bếp.
Và tôi chợt nhận ra lâu nay thời gian học của con đã chiếm hết thời gian chơi của các con. Điều này dù lúc nào cũng hiển hiện trong đầu nhưng chưa khi nào tôi dũng cảm để con được chơi dù chỉ một ngày. Phần vì các con không phải là những học sinh xuất sắc ở lớp, phần vì hằng ngày các con phải hoàn thành khá nhiều bài tập. Vậy là, năm nọ gối năm kia, các con trở thành những chú kiến chăm chỉ bên bàn học và ở các lớp học thêm, học bồi dưỡng, năng khiếu.
Còn một điều nữa, kỳ nghỉ bất đắc dĩ này cũng dạy cho người mẹ như tôi một bài học về việc cân bằng giữa làm việc và thời gian dành cho con. Tôi ngộ ra, không phải cứ đầu tư tiền bạc rồi đẩy con vào các lớp là cho các con môi trường giáo dục tốt nhất. Đúng là các con cần nhiều hơn những khóa học như thế. Các con có quyền được nghỉ ngơi, được vui chơi, cần có những kỳ nghỉ ngơi thực sự. Tôi cảm thấy mình đã dành quá ít thời gian cho các con.
Thay vì bắt đầu một ngày mới bằng bài tập, tôi đã chia sẻ với các con về các kỹ năng. Lâu nay vì sợ con đứt tay nên tôi không dám cho con cầm dao, kéo, giờ thì tôi tận tình hướng dẫn con mỗi khi làm bữa. Tôi có thời gian cùng xem với các con một bộ phim, đọc chung một cuốn sách và thấy sao mà ý nghĩa quá.
Con trai lớn tha hồ đọc sách, cu con trai nhỏ đọc truyện tranh. Có thời gian rảnh nên con trai nhỏ thỏa sức với đống đồ chơi mà trong năm rất ít khi con được đụng đến. Các con phân công nhau dọn việc nhà, một đứa cắm cơm, một đứa làm thức ăn. Đứa này rửa bát, đứa kia đi đổ rác. Một đứa gấp quần áo, một đứa cất quần áo vào tủ… Vậy mà lâu nay tôi cứ sợ các con lóng ngóng chẳng biết làm gì ngoài học.
Trước đây, tôi thường hay cau có nếu con muốn cùng tô màu hay xem phim, sợ con chưa làm xong bài tập. Tôi nhăn nhó nếu như con không chịu học bảng cửu chương hay học thêm tiếng Anh qua mạng. Vì ngốn quỹ thời gian vào chuyện học nên mỗi ngày các con giao tiếp với bố mẹ rất ít ỏi, thực sự rất khiêm tốn, chỉ là những câu hỏi ngắn gọn, câu trả lời qua quýt rồi lại ngồi vào bàn học.
Nay, tôi giật mình nhận ra con trai đầu đã lớn khi thấy con tự tay giặt áo đồng phục bằng xà phòng thơm, đứng trước gương chải chuốt và muốn ra hiệu cắt tóc theo ý mình. Tôi bắt đầu tâm sự với con về chuyện lớp chuyện trường, chuyện bạn bè. Tôi hiểu về áp lực mỗi ngày của con, hiểu vì sao cuối tuần con xị mặt không muốn đi học thêm.
Tôi dành thời gian để tìm hiểu về tuổi teen, về tình yêu học trò và nhận thấy thời các con khác thời mình rất nhiều. Tôi hỏi về ước mơ của con, để hiểu về con hơn… Mỗi ngày trôi qua nhẹ nhàng.
Có rất nhiều điều mà bấy lâu nay tôi chưa làm cùng con như thế. Có lẽ, chính người mẹ như tôi phải thay đổi nghiêm túc quan điểm về chuyện học của con. Kỳ nghỉ bất đắc dĩ này vô tình trở nên bổ ích với các con và với chính phụ huynh như tôi. Bởi đây là cơ hội gắn kết tình cảm, để giúp các con tăng sức đề kháng cùng những kỹ năng mỗi ngày.
Có thể nói, với tôi đây thực sự là cơ hội để “giải ngố” cho các con và cho chính mình!
Nguồn: tuoitre.vn